Giao tiếp : Mười lời khuyên

Mười việc bạn có thể làm tại nhà để giúp con giao tiếp

Tạo ra một môi trường bình yên và tĩnh lặng cho con bạn và bảo vệ bé khỏi những tiếng ồn lẫn những âm thanh điện tử. Hãy giữ âm thanh máy truyền hình và âm thanh nền xung quanh ở mức thấp nhất để tạo ra một môi trường bình yên. Hãy giúp bé được nghe tiếng người nhiều nhất.

Hãy trò chuyện với con của bạn. Khi con bạn tạo ra âm thanh, hãy trả lời như thể bé đang nói chuyện. Âm thanh của bé sẽ chuyển sang bập bẹ - những cố gắng đầu tiên để giao tiếp. Nói chuyện với bé suốt ngày và khuyến khích những người chăm sóc trẻ hay khách đến thăm bé cùng làm như vậy.

Đọc truyện, thơ, và hát. Trẻ em có được vốn từ vựng lớn hơn và khi lớn lên sẽ thành những người thích đọc sách khi bé thường xuyên được nghe đọc sách. Hãy đọc ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc đời trẻ. Trẻ thích được nghe một cuốn sách được đọc đi đọc lại nhiều lần. Hãy tìm những quyển sách có nội dung thực tế với những hình vẽ đơn giản về những đồ vật, hành động, và sự kiện hàng ngày. Hãy hát những bài hát mà bạn yêu thích.

Hãy nói một cách rõ ràng và trực tiếp. Giải thích những hoạt động hàng ngày trong từng giây từng phút bé trải nghiệm. Quan trọng tuơng tự như việc nói chuyện hay đọc sách cho bé, việc để ý đến những cố gắng phát âm của bé và ghi nhận những điều đó bằng cách sờ chạm hay mỉm cười với bé, hay nhắc lại cái mà bạn nghe bé nói cũng là điều không kém quan trọng.

Không sử dụng “kiểu nói chuyện trẻ con” hay tạo ra một thứ ngôn ngữ đặc biệt nhưng vô nghĩa. Con của bạn sẽ bị bối rối bởi những từ ngữ kiểu trẻ con vô nghĩa đó. Bé cần được nghe những từ chính xác được sử dụng bởi người lớn khi trò chuyện. Khi bạn nói với bé, hãy nói rõ ràng và có logic. Bé đang học rất nhiều từ. Bé kết hợp các vật với từ ngữ và do vậy bé cần được nghe tên của vật mà bé đang nhìn hoặc đang với lấy.

Hãy đáp ứng những cố gắng giao tiếp của con. Sự đáp ứng của bạn giúp bé chuyển từ cử chỉ sang từ ngữ nhanh chóng hơn nhiều. Bé thấy rằng những nỗ lực của mình có kết quả. Khi bạn lắng nghe con mình và trả lời – là bạn đang nói – “Những từ ngữ của con rất quan trọng”. Bạn đang xây dựng một mối quan hệ khiến bé muốn nói.

Hãy dùng từ vựng chính xác, không chỉ những từ tổng quát mà cả những từ đặc biệt, như “cái ép tỏi”, hay “màn bồn tắm”. Hãy gọi tên những đồ vật liên quan đến tất cả các phòng trong nhà: nhà bếp, nhà tắm, phòng ngủ, v.v.

Không lập lại những phát âm sai hay biến chúng thành trò đùa của gia đình. Nếu con phát âm “pasgetti”, hãy đáp lại bằng cách phát âm chính xác “Chúng ta ăn món spaghetti trong bữa ăn tối”. Bằng cách lặp lại câu nói với những từ đúng hay bằng cách tiếp tục cuộc trò chuyện, bạn đã giúp bé dần tiếp thu được từ ngữ chính xác và cách sử dụng đúng từ.

Hãy thay phiên kể những câu chuyện. Hãy kể những câu chuyện từ cuộc sống, chứ không chỉ trong sách. Con bạn sẽ thích chi tiết trong một câu chuyện đơn giản trước giờ đi ngủ, trong đó tóm tắt những sự kiện trong ngày. “Con thức dậy, thay quần áo với quần xanh lá cây và áo khủng long, đánh răng, và...”

Hãy dành thời gian để lắng nghe. Hãy kiên nhẫn lắng nghe, ngay cả khi bạn không hiểu những gì con nói. Đừng cắt ngang hay gợi ý từ ngữ, nhưng cho phép bé có thời gian để hoàn tất câu chuyện. Sự thích thú quan tâm của bạn sẽ khuyến khích trẻ tiếp tục giao tiếp.